CÁC MẸO TIẾT KIỆM NƯỚC
TIẾT KIỆM NƯỚC SINH HOẠT TRONG GIA ĐÌNH
Làm thế nào để tiết kiệm nước sinh hoạt trong gia đình ???
Để hóa đơn tiền nước hàng tháng không khiến bạn choáng váng, hãy tham khảo những "tuyệt chiêu" dưới đây để vừa tiết kiệm được một khoản tiền cho gia đình lại góp phần giữ gìn nguồn nước sạch:
- Đánh răng : đầu tiên, bạn mở vòi nước, nhúng ướt bàn chải rồi khoá vòi lại. Cho kem đánh răng lên bàn chải, bắt đầu vệ sinh răng miệng. Dùng một chiếc cốc, lấy vừa đủ nước để súc miệng, rửa bàn chải thay vì mở vòi cho nước chảy xối xả khi bạn đang đánh răng.
- Nấu ăn : bạn nên đắt một chậu nước nhỏ bên cạnh để sau mỗi lần cắt rau, củ, hành, tỏi…bạn thường rửa tay cho sách. Tính sơ sơ, mỗi lần nấu nướng bạn rửa tay khoảng 7-10 lần. Nếu mỗi lần như thế lại mở vòi nước thì sẽ lãng phí rất nhiều nước. Trừ khi cần làm sạch dầu mỡ còn thì bạn chỉ cần nhúng tay vào chậu nước rồi lau khô bằng khăn sạch, thay vì rửa dưới vòi nhiều lẫn gây lãng phí nước.
- Giặt quần áo : Nếu bạn giặt bằng tay, bột giặt thường rửa lâu sạch vì nhiều ba-zơ. Bạn có thể rửa tay luôn khi xả quần áo hoặc đặt một mẩu phèn chua dưới vòi nước. Cách này giúp rửa nhanh sạch, ít tốn nước. Nếu ngại phèn chua ảnh hưởng tới da tay, bạn có thể sử dụng nửa quả chanh đã vắt hết nước. Chất a-xit trong chanh giúp trung hòa ba-zơ trong bột giặt. Bạn cũng có thể mang găng cao su để hạn chế rửa tay nhiều lần. Khi xả quần áo lần cuối, bạn đừng đổ chậu nước đi. Hãy giữ lại để làm sạch sàn nước hoặc rửa xe. Bạn cũng không nên giặt quần áo hàng ngày dù bằng máy hay bằng tay vừa hại quần áo mà lại tốn nước. Hãy gom quần áo bẩn và giặt định kỳ mỗi tuần hai lần hoặc hai tuần một lần (riêng đồ lót cần giặt sạch hàng ngày để giữ vệ sinh). Vào ngày giặt giũ, bạn hãy gom hết khăn tắm bẩn, vỏ gối, chăn màn, vớ, găng tay, khẩu trang, áo khoác, khăn tay…để giặt cùng lúc. Cách giặt này giúp bạn tiết kiệm nước hơn giặt nhiều lần trong tuần.
- Trong phòng tắm : Nếu bạn tắm bằng vòi hoa sen, hãy đặt dưới chân một chiếc chậu to và đứng vào đấy. Sau mỗi lần tắm, bạn có thể tái sử dụng lượng nước này để dội bồn cầu, rửa sàn nhà tắm…
+ Tắm bồn tuy sảng khoái hơn nhưng lại khiến bạn tốn rất nhiều nước. Bạn nên giới hạn số lần ngâm bồn trong tuần, thay vì ngâm mỗi ngày.
+ Nếu cọ rửa phòng tắm nên làm từ cao xuống thấp. Không nên cọ sàn trước rồi mới cọ lavabo, bồn cầu. Như thế, bạn sẽ phải rửa sàn thêm một lần nữa. chú ý tắt vòi nước lúc rửa lavabo.
- Những điều cần lưu ý khác để tiết kiệm nước sinh hoạt:
+ Khi tưới cây, bạn nên sử dụng vòi tưới để có thể khóa mở khi cần.
+ Bạn nên treo khăn tắm ở chỗ thoáng mát chúng sẽ lâu bẩn hơn, sẽ chỉ cần giặt khăn một tuần một lần.
+ Nên kết hợp rửa xe và làm sạch sân.
+ Không cho trẻ nghịch nước trong phòng tắm một mình. Chúng sẽ mở vòi nước xối xả mà có khi chỉ tắm táp qua loa. Bạn nên dạy trẻ ý thức tiết kiệm nước từ bé.
+ Luôn kiểm tra xem vòi nước, ống nước có bị rò rỉ không. Nếu có bạn nên đóng khóa chính và khắc phục sự cố. Đừng nghĩ vài giọt nước rỉ ra từ vòi nước là không đáng kể, “tích tiểu thành đại” mà!
NHỮNG MẸO NHỎ TIẾT KIỆM NƯỚC TRONG NHÀ
Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận, chính vì thế tiết kiệm nước luôn luôn cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngăn ngừa ô nhiễm nước ở các lưu vực. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn tiết kiệm nước khi sử dụng các thiết bị dùng nước trong gia đình.
1. Kiểm tra rò rỉ
Đường ống dẫn nước có thể bị rò rỉ, để kiểm tra, bạn hãy đọc số nước trên công tơ trước và sau khoảng thời gian hai giờ không sử dụng nước. Nếu công tơ không cho cùng một số nước, thì hệ thống cấp nước nhà bạn đã bị rò rỉ. Để kiểm tra xem toilet có bị rò rỉ không, bạn hãy cho một ít bột màu vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu. Nếu chưa xả nước, mà màu đã xuất hiện trong bồn cầu trong vòng 30 phút, nghĩa là toa-lét nhà bạn đã bị rò rỉ và cần sửa chữa ngay lập tức. Phần lớn các phụ tùng thay thế đều không tốn kém và dễ lắp đặt.
2. Không nên sử dụng bồn cầu như gạt tàn hay thùng rác
Mỗi lần xả nước để dội một mẩu thuốc lá thừa, giấy ăn hay mẩu rác nhỏ thì bạn đã lãng phí khoảng 20 lít nước. Vì thế hãy sử dụng thật hiệu quả mỗi lần nhấn cần gạt nước.
3. Đặt chai nhựa hoặc phao nổi vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu
Để giảm lượng nước lãng phí, hãy để một chai nhựa vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu, cách xa hệ thống vận hành. Để giữ yên chai, nên để một lớp cát hoặc đá cuội dày khoảng 5cm vào trong mỗi chai nhựa, đổ nước đầy chai, và vặn chặt nút. Bạn cũng có thể mua loại phao nổi rẻ tiền và đặt vào ngăn chứa nước xả. Cách này giúp tiết kiệm khoảng 40 lít nước mỗi ngày. Khi lắp đặt hệ thống mới, bạn hãy mua bồn cầu tiết kiệm nước.
4. Sử dụng vòi hoa sen tiết kiệm, hiệu quả
Các đầu vòi hoa sen tiết kiệm nước không tốn kém và rất dễ lắp đặt tại các hộ gia đình. Cứ một phút “nhàn rỗi” thì vòi sen tiêu tốn 20 đến 45 lít nước, vì vậy hãy hạn chế xả nước tắm khi bạn xát xà phòng và kỳ cọ.
5. Khóa vòi nước sau khi thấm ướt bàn chải
Không cần thiết để nước tiếp tục chảy trong khi bạn đánh răng. Để đánh răng, bạn hãy nhúng ướt bàn chải và hứng đầy một cốc nước để súc miệng.
6. Sử dụng máy máy giặt theo công suất lớn nhất
Chúng ta nên sử dụng máy máy giặt tự động khi có đủ khối lượng theo công suất của máy để tiết kiệm nước một cách tốt nhất. Nên tránh chu trình giặt cố định. Với mỗi mẻ giặt, điều chỉnh mức nước phù hợp với khối lượng quần áo cần giặt. Thay thế các máy giặt quá cũ.
7. Hạn chế việc rửa dưới vòi nước chảy
Khi rửa bát, rửa rau hay cọ rửa đồ vật, nên hứng sẵn một chậu nước sạch. Nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như cọ rửa hoặc lau nhà. Chỉ rửa trực tiếp dưới vòi chảy khi thật cần thiết, trong trường hợp đó, nên điều chỉnh vòi vừa đủ dùng.